Đây là những vụ tai nạn giao thông mà chúng ta ít thấy. Đặc biệt ở chỗ diễn biến không như những vụ tai nạn thông thường. Xin nêu tóm tắt để mọi người tham khảo:
Tài xế bị xe mình lái tông chết!
Vụ tai nạn mới nghe thấy lạ thật(?) lạ bởi tài xế mà lại bị xe mình lái tông chết! Nhưng đây là chuyện có thật-thật 100% !
Đoàn xe của một công ty vận tải trên đường đi chở hàng. Sau một thời gian nghỉ giải lao,đoàn tiếp tục hành trình. Lúc này có một xe trong đoàn do bình điện yếu, không đủ công suất để khởi động máy. Người lái phải xuống xe dùng tay quay quay cho máy nổ. Không kiểm tra vị trí cần số,thay vì phải để ở số o(số mo)an toàn,thì nó lại ở vị trí số tiến.Khi quay nổ máy,sẵn có số xe lao chồm tới, tông, ép người lái xe vào sau chiếc xe cùng đoàn đậu trước làm người này tử vong!
Đấy,chỉ một sơ xuất nhỏ, nhưng hậu quả của nó thì không hề nhỏ chút nào(!) người ta gọi đó là “ tai nạn nghề nghiệp”!
Xe không người lái gây tai nạn!
Xe”không người lái”- đó chỉ là cách gọi thôi;bản chất sự việc cũng tương tự như vụ tai nạn nêu trên, chỉ có khác là người bị nạn là công nhân bốc dỡ hàng:
Chiếc xe tải chở hàng cho một công ty. Khi tới điểm trả hàng, do đậu xa vị trí xuống hàng, người lái cho xe lùi lại chỗ xếp hàng. Bình điện yếu, phải dùng tay quay để quay cho xe nổ máy,trong lúc cần số đang ở số lùi. Khi quay máy nổ, xe chạy lùi.Lúc này phía sau xe đang có nhiều người đứng chờ bốc hàng,thấy vậy chạy sang bên tránh an toàn, một nữ công nhân không kịp chạy đã bị thành sau xe ép vào đống hàng ở kho gây tử vong!
Lại một cái chết thương tâm cũng chỉ vì chủ quan của người lái xe, hành vi cẩu thả đơn giản,hậu quả thì quá nghiêm trọng – một mạng người!
Cũng xin nói thêm là vào thời điểm đó, kinh tế của chúng ta còn khó khăn phương tiện vận tải chủ yếu thuộc các đơn vị nhà nước, cũ nát thiết bị không đồng bộ nên mới có tình huống người lái phải rời buồng lái để khởi động xe. Nay khác rồi, kinh tế phát triển, phương tiện giao thông được cải thiện;thay vào đó là những xe đời mới thiết bị hiện đại,không còn những cảnh như nêu trên đây. Song người điều khiển phương tiện không được chủ quan khi khởi động xe cũng như quá trình vận hành trên đường để luôn giữ được an toàn !
TAI NẠN DO XE KÉO NHAU!
Vụ tai nạn tôi nêu dưới đây, nguyên nhân sâu xa cũng là do thiết bị của phương tiện – bình điện yếu dẫn đến.
Vào khoảng giữa năm 1972, tôi được phân công về bộ phận xử lý. Trước đó, bộ phận thụ lý một vụ tai nạn, hồ sơ đã hoàn chỉnh, chỉ còn chờ các ngành thống nhất việc xử lý. Nội dung vụ tai nạn:
Chiếc xe tải đậu bên lề đường chờ khởi hành nhưng không nổ máy được do bình điện yếu. Người lái phải nhờ đến đồng nghiệp không quen biết, anh vẫy một xe đang chạy trên đường kéo giúp để nổ máy. Khi xe trước chuẩn bị kéo, dây cáp kéo vừa căng thì có một người phụ nữ lớn tuổi đi bộ qua đường ở đoạn giữa hai xe. Không phát hiện được người đi bộ qua đường, xe trước kéo xe sau đi lên đã tông chết người đi bộ!
Theo quy định,khi có phương tiện tham gia giao thông trên đường gây nên tai nạn hậu quả nghiêm trọng, có dấu hiệu vi phạm luật thì cơ quan thực thi pháp luật vào cuộc điều tra.Vụ việc được khởi tố,tiếp đó là người lái chiếc xe trực tiếp gây nên cái chết cho người qua đường(xe sau) bị khởi tố.Với tư cách bị can người này trình bày: Anh nhìn rõ người đi bộ qua đường trong tình thế cấp bách nguy hiểm, đã thao tác để tránh tai nạn nhưng mọi việc làm của anh lúc đó đều vô hiệu,bất lực do anh không chủ động được, xe trước kéo xe anh đi, tai nạn dẫn đến là bất khả kháng với anh.Từ nội dung bào chữa trong lời khai của người lái chiếc xe trực tiếp gây tai nạn thấy có lý, đại diện hai cơ quan điều tra và kiểm sát đi đến thống nhất, chuyển trách nhiêm trong vụ tai nạn sang người lái xe trước(xe kéo). Đến lượt người này trình bày: Thấy đồng nghiệp gặp khó khăn, ra tín hiệu xin giúp đỡ thì sẵn sàng giúp vô tư. Khi người lái xe nhờ kéo mắc cáp, lên vị trí lái và ra tín hiệu kéo thì anh cho xe chuyển bánh kéo xe sau. Xe không được trang bị gương chiếu hậu, hơn nữa nếu có gương cũng không thể nhìn thấy người đi bộ vì bị khuất thùng xe. Cả hai xe đều của cơ quan vận tải thuộc nhà nước (thời đó không có xe ô tô tư nhân) xe không có biên chế phụ để cảnh giới đảm bảo an toàn. Hai cơ quan điều tra, kiểm sát một lần nữa cùng nghiên cứu theo những tình tiết lời khai của người lái xe (xe kéo) cũng thấy chấp nhận được. Rồi cuối cùng trách nhiệm của bộ hành qua đường (người bị nạn) cũng được xem xét, như thiếu quan sát khi qua đường trước đầu xe ô tô. Nhưng thân nhân người bị nạn không chấp nhận;cho là người nhà của họ không có lỗi vì bà đi ngang qua đường, trước đầu của chiếc xe đỗ chứ không phải xe đang chạy (xe không nổ máy, chưa có tác động của xe kéo) …Rồi cứ như thế, vụ án lòng vòng mãi…đến một ngày tôi được điều động đi công tác xa,điều kiện thông tin liên lạc khó khăn không biết được kết cục xử lý vụ tai nạn!
Trên đây là những vụ tai nạn tôi được biết, kể lại để mọi người tham khảo.Tình huống xe bình điện yếu như cả ba trường hợp trên đây chắc chỉ xảy ra trong quá khứ.Phương tiện bây giờ hiện đại và hệ thống luật pháp cũng đầy đủ chi tiết,chặt chẽ nên công tác xử lý cũng thuận lợi hơn nhiều!